Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa ước lượng chi phí cho việc triển khai 2 khẩu đội tên lửa phòng không Aegis trên bộ là khoảng 400 tỉ yen (tương đương 3,6 tỉ USD), tức là gấp đôi dự tính ban đầu.
Nếu tính cả chi phí mua thêm tên lửa gắn lên trên các khẩu đội Aegis trên bộ và nhiều phụ phí khác, khoản tiền tổng cộng mà Nhật Bản phải bỏ ra có thể lên tới 5,4 tỉ USD. Điều này làm dấy lên câu hỏi về sự cần thiết của loại vũ khí phòng thủ trên, nhất là khi tình hình Triều Tiên đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chính phủ Nhật Bản có ý định lắp đặt các hệ thống tên lửa phòng không Aegis trên bộ tại quận Akita và Yamaguchi, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của nước này chống lại những mối đe dọa tiềm tàng từ các tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. 2 khẩu đội là đủ bao phủ hoàn toàn lãnh thổ Nhật Bản và Tokyo có ý định đưa nó vào hoạt động trong năm 2023.
Chi phí bỗng dưng tăng vọt được cho là do Nhật Bản muốn mua loại radar cảnh báo mới nhất của Lockheed Martin để sử dụng kèm cùng Aegis trên bộ với giá bán đắt hơn nhiều so với loại radar đang trang bị các tàu khu trục Aegis của hải quân nước này.
Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng được cho là cũng sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, ngay cả khi Nhật Bản là nhà đồng sản xuất tên lửa SM-3 Block 2A với Mỹ, mỗi quả cũng có giá lên tới 36 triệu USD.
Sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố đồng ý phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump tại Singapore vào hôm 12-6, Nhật Bản đã khẳng định nước này vẫn sẽ triển khai Aegis trên bộ do mối đe dọa từ Triều Tiên còn hiện hữu.
Tuy nhiên, kế hoạch này còn vấp phải sự phản ứng của người dân ở quận Akita và Yamaguchi do cho rằng, việc triển khai Aegis trên bộ khiến nơi ở của họ trở thành mục tiêu của tên lửa, đồng thời sóng radar quá mạnh có thể gây hại cho sức khỏe.
Nguồn anninhthudo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét