Hệ lụy của "mù" Sử có vẻ xa xôi và không cấp thiết bằng “bốc hơi” chứng khoán, tụt GDP. Thật khủng khiếp nếu con người không biết gốc gác mình từ đâu? sống bằng động lực gì? phấn đấu vì cái gì?
Ở thành phố mang tên Bác, kỳ thi quốc gia vừa qua có 81% thí sinh dưới điểm 5 môn Sử, hay nói theo cách xếp hạng phổ biến trong nhà trường là điểm “yếu”. Do học sinh chán Sử hay do cách dạy Sử?
Bằng lý do gì đi nữa thì con số đó vẽ ra bức tranh rất buồn của nền Sử học. Càng cảm thấy hẫng khi cây đại thụ ngành Sử học - Giáo sư Phan Huy Lê vừa ra đi cách đây không lâu!
Tại một kỳ họp Quốc hội, nhà Sử học Dương Trung Quốc đã rung lên hồi chuông cảnh báo khi mà mọi thứ quan tâm nhất đổ dồn về các chỉ tiêu kinh tế, sự bỏ ngỏ các vấn đề xã hội ít nhiều tạo nguyên nhân dẫn đến kết quả cụ thể như hôm nay.
Cách đây 3 năm, tích hợp môn sử với giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng không nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội và đội ngũ chuyên gia. Kể từ thời điểm đó, dạy và học Sử như thế nào lâm vào ngõ cụt!
Học sinh ngày càng có nhiều phương tiện để tiếp cận với kho tàng lịch sử, chỉ một cú click chuột là có thể biết được cách đây mấy ngàn năm hai Bà Trưng đánh giặc ngoại xâm như thế nào!
Nhưng thực tế người Việt thích đọc sử Tàu hơn sử ta, tôi từng thấy có nhiều bạn học dành cả học kỳ ngồi trong thư viện chỉ để nghiền hết bộ “tứ tuyệt” Tam quốc, Thủy Hử, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng.
Đọc nhàu hết sách sử Tàu mà khi xem phi họ dựng vẫn y như mới, cảm giác như được thấy hình ảnh người anh hùng bằng xương bằng thịt trên màn ảnh. Tuổi thơ vót kiếm, làm cung tên, chơi trò đánh trận y như trong Tam quốc, đóng giả Triển Chiêu (Bao Thanh Thiên), Tôn Ngộ Không (Tây Du Ký), yêu mến 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc (Thủy Hử)…
Đến cả những nhân vật võ công cái thế trong tiểu thuyết Kim Dung còn xuất hiện trong “Hoa sơn luận kiếm” trên diễn đàn mạng tại Việt Nam.
Nghịch lại, 4.000 năm sử Việt không thiếu anh hùng hảo hán, mà sao học sinh vẫn cứ “nhầm lẫn” Nguyễn Huệ với Quang Trung là bạn chiến đấu (?) là hai anh em (!).
Người Trung Quốc quảng bá lịch sử bằng nghệ thuật. Nằm ngay sát biên giới Việt Nam là phim trường Hoành Điếm (tỉnh Chiết Giang) cực kỳ lộng lẫy, nơi chỉ mỗi mục đích làm phim dã sử, mỗi năm ra lò hơn 30.000 tác phẩm, doanh thu hàng tỷ đô. Trung Quốc có 5 phim trường như thế.
Để tìm một bộ phim dã sử Việt Nam tương xứng với mười mấy cuộc chiến tranh chống đô hộ phương Bắc, thật quá khó!. Bộ phim “Tây Sơn hào kiệt” được xem như một nỗ lực phản ánh thời kỳ lịch sử oai hùng cách đây chừng hai thế kỷ rưỡi.
Nhưng xem xong lại thất vọng, đại chiến giữa quân Tây Sơn với 29 vạn quân nhà Thanh vào Tết Kỷ Dậu (năm 1789) là một trong những chiến công vĩ đại nhất thời kỳ Trung Đại; cuộc hành quân thần tốc bí ẩn nhất lịch sử từ Phú Xuân (Huế) ra đến Thăng Long (Hà Nội) chỉ 5 ngày đêm, nhưng trên màn ảnh lại quá èo uột.
Thực tại hơn với đời sống hàng ngày, học Sử nói riêng và các môn xã hội nói chung không thể thành danh ở những ngành nghề “hot” như kỹ sư, chuyên gia kinh tế, tài chính, công nghệ: Không thể vinh thân với nghề!
Nhu cầu xã hội cuồng quay với đồng tiền nên không phụ huynh nào hướng con em mình vào cái ngành “quay ngược thời gian”, giỏi Sử không oai bằng giỏi Toán, Lý Hóa, giáo viên dạy Sử không được trọng bằng giáo viên dạy Toán!?
Không biết do đâu mà người ta nghĩ giỏi Sử chỉ việc bỏ công học thuộc, còn giỏi Toán, Lý, Hóa là sở hữu bộ não siêu phàm!
Không phải không có lý do, tôi từng biết những người thầy có thể đọc vanh vách ngày tháng năm các trận đánh lớn nhỏ trong lịch sử thế giới, có thể nhớ và vẽ tương đối chính xác từng ngọn núi, con sông trên bản đồ chiến lược.
Những bài thầy dạy rất khác người, có lẽ vì đã “no” con số và sự kiện nên thầy không cung cấp thêm cho học trò, với thầy lịch sử nước nào là tất tần tật mọi thứ về quốc gia đó. Rất hiếm người có thể truyền Sử như thầy.
Nhưng sau này nghĩ lại, việc nhớ hàng tá sự kiện như vậy phỏng có tác dụng gì? Trong khi bản chất môn Sử không chỉ là con số và sự kiện, mà quan trọng từ con số và sự kiện ấy cho ta bài học gì.
Trong nhà trường đang dạy môn Sử như thế, vô tình biến lịch sử cha ông thành những trận đánh liên hồi, vắt qua nhiều thế hệ. Hệ lụy của thực trạng mù Sử có vẻ xa xôi và không cấp thiết bằng “bốc hơi” chứng khoán, tụt giảm GDP.
Nhưng hãy mường tượng đến lúc nào đó con người không còn nhớ gốc gác mình từ đâu? sẽ sống bằng động lực gì? sẽ phấn đấu vì cái gì?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét